Sáng 7/10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 09 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp kết nối trực tuyến từ Phòng họp UBND tỉnh đến UBND các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, triển khai Đề án 06, UBND tỉnh đã xác định rõ mục tiêu, phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương, chỉ đạo thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án từ tỉnh đến cơ sở. Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về 25 dịch vụ công thiết yếu, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản và sử dụng các tiện ích trên Cổng dịch vụ công.
Đến nay, Hải Dương là một trong 14 tỉnh đã hoàn thành kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Hoàn thành tích hợp, đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, mở 3 chức năng đã kết nối từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Dịch vụ xác nhận số định danh cá nhân và chứng minh nhân dân, Dịch vụ xác thực thông tin hộ gia đình, Dịch vụ tra cứu thông tin công dân. UBND tỉnh đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06.

Đồng chí Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, đại diện các thành viên Tổ công tác Đề án 06 của của tỉnh, huyện, thành phố đã tập trung thảo luận, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và có những đề xuất, kiến nghị nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06 trong thời gian tới. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận và thực hiện dịch vụ công trực tuyến; sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền...
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhấn mạnh, triển khai Đề án 06 là nhiệm vụ quan trọng được Trung ương và Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhằm đẩy mạnh công cuộc đổi mới trên cơ sở lấy người dân là trung tâm, là động lực, là mục tiêu và là chủ thể của sự phát triển. Việc triển khai thực hiện Đề án 06 đã bước vào thời điểm nước rút, với nhiều nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung hoàn thành. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành viên Tổ công tác của tỉnh, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải thống nhất nhận thức về tầm quan trọng và có quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06.

Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Trước mắt, các cấp các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong triển khai. Làm tốt công tác tuyên truyền nhằm đổi mới tư duy, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về sự cấp thiết và lợi ích thiết thực của thực hiện Nghị quyết số 06 và Đề án 06.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cập nhật dữ liệu, số hóa, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước; phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Các sở, ngành, địa phương tập trung, đẩy mạnh việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục; quan tâm bố trí đủ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo các yêu cầu, điều kiện về năng lực chuyên môn làm công tác tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến.
Công an tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo dữ liệu dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống" và thực hiện Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, cấp định danh và xác thực điện tử cho 100% công dân có đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh. Triển khai hiệu quả công tác thu nhận hồ sơ định danh điện tử; phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức cung cấp các dịch vụ, tiện ích an sinh xã hội cho công dân tham gia đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử, tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch. Khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an.
Sở Y tế đẩy mạnh việc sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp thay thẻ Bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 100% các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Sở Y tế chủ trì, tiếp tục chỉ đạo triển khai làm sạch dữ liệu tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các giải pháp không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong quá trình thu, nộp các khoản phí trong năm học.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hải Dương triển khai ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp thay thẻ ATM rút/nạp tiền và ứng dụng dữ liệu dân cư làm sạch dữ liệu khách hàng của các tổ chức Tài chính- Ngân hàng, với mục tiêu hoàn thành trong năm 2022.
Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong xác minh thông tin công dân tham gia BHXH.
Sở Tư pháp tham mưu triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch ngay trong năm 2022. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp Công an tỉnh rà soát, đối chiếu, cập nhật thông tin dữ liệu về các đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn (hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, người có công với cách mạng) để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Hải Dương triển khai tạo, cấp tài khoản an sinh xã hội cho công dân toàn tỉnh…

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Phòng họp UBND tỉnh tới UBND các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh
Về bảo đảm nguồn lực triển khai thực hiện Đề án 06, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, đề xuất đầu tư nhiệm vụ công nghệ thông tin thiết yếu theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng đội ngũ chuyên gia an toàn, an ninh mạng của tỉnh. Đề xuất đầu tư, trang thiết bị khoa học kỹ thuật để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, tác động tiêu cực, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thực hiện chuyển đổi số.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí thực hiện Đề án. Trước mắt cần có danh mục đầu tư để các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và UBND các cấp căn cứ để dự trù kinh phí triển khai, thực hiện.