
Không chỉ được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, Chí Linh còn nổi tiếng sở hữu nhiều khu di tích, danh lam thắng cảnh gắn với tên tuổi các anh hùng hào kiệt, các danh nhân văn hóa thế giới cùng nhiều lễ hội đặc sắc. Trong đó phải kể đến ngôi đền Gốm– nằm ở KDC Ninh Giàng- phường Cổ Thành thờ phó tướng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư.
Giữa nắng thu vàng ươm và tiếng dòng sông Kinh Thầy cuồn cuộn chảy, du khách hành hương về Khu di tích Đền Gốm để cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng và linh thiêng, trầm mặc của ngôi đền. Dấu ấn lịch sử oanh liệt hào hùng thời Trần cùng những chiến công hiển hách của Trần Khánh Dư 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông vẫn luôn hiện diện qua ngôi đền cổ này, làm nên dấu thiêng vùng đất Chí Linh.
Đến với ngôi đền cổ, lòng tĩnh tâm thắp nén hương kính, ôn lại truyền thuyết về phó tướng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Ông là một tướng hải quân kiệt suất. Theo sách: “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú: Trần Khánh Dư là người Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông là tôn thất nhà Trần nên được phong là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Ông sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi quí tộc, thân phụ là Thượng tướng Trần Phó Duyệt, phụ mẫu là phu nhân chính thất Nguyễn Thị Mậu. Kế thừa truyền thống Hoàng tộc, ngay từ nhỏ Trần Khánh Dư rất say mê sách vở và giỏi binh thư. Ông là người lập nhiều công lao to lớn trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ 13. Năm 1258, cuộc kháng chiến Nguyên Mông lần thứ nhất nổ ra, trong trận quyết chiến chiến lược ở Đông Bộ Đầu, tướng trẻ Trần Khánh Dư bằng mưu trí sáng tạo, đột kích bất ngờ vào trại giặc thu được thắng lợi lớn. Sau trận này, quân Nguyên Mông bị đánh bật khỏi Kinh Thành, phải rút quân về nước. Đầu xuân năm Mậu Ngọ (1258), tại buổi lễ thiết triều đầu xuân mừng công ban thưởng cho các tướng lĩnh, Trần Khánh Dư được vua khen là người có trí lược và phong là Thiên tử nghĩa Nam. Ít lâu sau Trần Khánh Dư được vua tin tưởng giao cho đi dẹp giặc người Man, âm mưu phiến loạn miền núi nhằm lật đổ nhà Trần. Thắng trận trở về, ông đặc biệt được vua Trần yêu quí và ban thưởng chức “Phiêu kỳ đại tướng quân”. Một thời gian sau, do ông phạm tội, bị triều đình cách chức trở về quê làm nghề chèo đò bán than.
Tháng 11 năm 1282, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2, vua Trần họp hội nghị Bình Than lấy ý kiến vương hầu, bách quan bàn kế công, thủ đánh giặc. Trong dịp này vua Trần tình cờ gặp Trần Khánh Dư chèo thuyền chở than qua bến Nhạn Loan trong cảnh "nón lá, áo tơi". Vua cho mời Trần Khánh Dư tới và cho cùng dự bàn kế sách giữ nước. Tại hội nghị Bình Than, Trần Khánh Dư tỏ ra là người có mưu lược, hiến nhiều kế sách tác chiến sâu sắc hợp với ý vua, Trần Thái Tông lại phong chức Phó tướng đô quân. Sau khi dẹp tan giặc, ông lại được phong Tước Hầu. Năm 1288, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 3, Trần Khánh Dư được Trần Hưng Đạo giao nhiệm vụ quyết chiến trên biển. Tại đây, Trần Khánh Dư đánh thắng trận Vân Đồn tiêu diệt hơn 500 chiến thuyền lương của Trương Văn Hổ. Chiến thắng Vân Đồn làm thất bại ngay từ đầu kế hoạch hậu cần quân Nguyên Mông, góp phần quan trọng để cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 3 sớm kết thúc thắng lợi.
Trần Khánh Dư không chỉ là người có tài, cầm quân xung trận mà ông còn có khả năng đặc biệt trong việc luyện binh và hiểu thấu đáo binh pháp của Trần Hưng Đạo. Khi Trần Hưng Đạo viết cuốn: “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” để rèn luyện quân sĩ thì chính Trần Kháng Dư là người viết lời tựa về việc sử dụng binh pháp, thể hiện tài thao lược của ông: “Phàm việc dùng binh hễ giỏi thì không cần bầy trận, mà giỏi bày trận thì không cần đánh, giỏi đánh thì không thua, không thua thì không chết”. Với cống hiến to lớn trong suốt ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Trần Khánh Dư đã được vua Trần phong tước Nhân Huệ Vương.
Đất nước thanh bình, Trần Khánh Dư về sống những năm tháng cuối đời tại Thái Ấp bên vụng Trần Xá (thuộc Chí Linh, Hải Dương). Ngày 15 tháng 8 năm 1339, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư qua đời. Ghi nhận công lao của ông, nhân dân địa phương đã xây dựng đền thờ tại đầu làng Gốm lấy tên là “Nhân Huệ Vương từ”.
Đền Gốm trở thành một công trình kiến trúc của Chí Linh được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Đây là một trong những địa điểm du lịch tâm linh, sinh thái của người dân Chí Linh nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Ngôi đền xưa, nay đã mang một diện mạo mới, khang trang và bề thế hơn nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính, trầm mặc của một ngôi đền cổ. Đền Chính, kiến trúc 1 tầng mái kiểu chữ “Đinh”, với 5 gian Tiền tế, 2 gian Hậu cung, kết cấu chủ yếu bằng bê tông cốt thép, mái và cửa bằng gỗ tứ thiết; Nghi môn kiến trúc kiểu tứ trụ, trang trí theo lối truyền thống.
Bước qua cửa tam quan tiến vào khu nhà đại bái du khách được chiêm ngưỡng một nhanh áng cổ mang đặc điểm mỹ thuật thời Nguyễn, cùng những bức tượng thờ quan văn, quan võ và nhị vị cô nương (tức 2 công chúa thời Trần). Sâu bên trong hậu cung là nơi uy nghiêm, chốn linh thiêng nhất trong đền, ta như choáng ngợp bởi 1 cuốn thư cổ được xác định có từ thời Nguyễn, cuốn thư có chất liệu gỗ, sơn son thiếc vàng đề dòng chữ: “vọng như vân”. Nằm ở chính giữa hậu cung, ban cao nhất là tượng Trần Khánh Dư, tư thế ngồi trong ngai, hai bên tả và hữu là tượng thờ Thượng tướng Trần Phó Duyệt, phu nhân chính thất Nguyễn Thị Mậu, thân phụ và phụ mẫu Trần Khánh Dư
Trong quần thể khuôn viên đền Gốm còn có nhà thờ tam tổ, đình Gốm, chùa Gốm, tháp chùa, tam tòa thánh mẫu. Đền Gốm hiện còn lưu giữ được 3/11 đạo sắc phong, sớm nhất là đạo sắc từ thời Tự Đức, muộn nhất là thời Khải Định
Phía bên kia bờ đê có Đền Thủy (tức Đền trình) nằm soi mình bên sông Kinh Thầy. Đền thờ thủy thần, đây được xem là nơi trình báo trước khi du khách bước vào khu đền chính. Qua nhiều năm bị giặc Pháp tàn phá, đến nay, Đền Thủy đã được UBND TP Chí Linh phục dựng lại. Đền được thiết kế theo kiểu trồng diêm cổ các, 8 mái đao cong đắp vẽ hình Long Phụng trên sàn bê tông cốt thép, đảm bảo cho nước chảy trong mùa mưa lũ. Đền Thủy với các hạng mục công trình: Đền Thủy, cầu, bậc lên xuống bằng đá xanh nguyền khối, hạng mục công trình kè bờ đê 2 bên, đổ phên bê tông trồng hoa cây cảnh…Du khách đến đây không chỉ được dâng hương, bày tỏ lòng thành kính trước các bậc thánh nhân tiền bối mà còn là nơi để nghỉ ngơi, thưởng ngoạn cảnh sông nước hữu tình.
Đến Chí Linh những ngày thu tháng 8, du khách không thể bỏ qua việc viếng thăm đền Gốm và tham gia vào lễ hội đền được tổ chức vào ngày 13- 21 tháng Tám âm lịch hàng năm. Từ Côn Sơn- Kiếp Bạc đến với di tích và lễ hội đền Gốm, con đường hành hương tuyệt vời nhất chính là từ QL 37 theo hướng Tây Nam đường Quốc lộ 18 chừng khoảng 10km, ngoài ra du khách từ Bắc Ninh hay Hải Phòng sang còn có thể đi bằng đường thủy trên sông Thái Binh, sông Kinh Thầy
Tại lễ hội, ngoài các phần lễ du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu các phong tục tập quán mang đậm đà bản sắc văn hóa dân gian của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ qua các trò chơi truyền thống như: đấu vật, kéo co, chọi gà và giao lưu văn nghệ, thể thao...
Với ý nghĩa tâm linh và vị trí đắc địa cùng cảnh sắc thiên nhiên mang đậm sắc thái của vùng quê đồng bằng Bắc bộ thì khu di tích đền Gốm, kết hợp với lễ hội mùa Thu Côn Sơn- Kiếp Bạc đã trở thành một tour du lịch tâm linh vô cùng độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong hành trình du lịch khám phá vùng đất Chí Linh bát cổ của nhiều du khách./.
Một số hình ảnh Đền Gốm năm 2022